Ở vùng Lấp Vò, có một người mà bấy lâu nay, bà con ở đây hết lòng ca ngợi. Khi nói đến cô, nhiều người nghĩ ngay đến một vị nữ thí chủ Cấp Cô Độc thời hiện đại, mà phật tử ở nhiều ngôi chùa cũng như bà con hàng xóm vẫn hay gọi cô với cái tên thân mật “Bà Năm Hòa”
Thật ra pháp danh của cô là Diệu Huyền, nhưng có ít người biết đến pháp danh ấy vì cái tên Năm Hòa đã gọi quen miệng từ trước khi cô biết đến Phật pháp.
Cô có một cuộc đời đầy gian khổ. Ngay khi tuổi còn thơ, sự bất hạnh từ gia đình, rồi những trắc trở trong cuộc sống tình cảm, công việc đã làm cho người phụ nữ này trở nên gan lì với cuộc đời, nhưng bên trong sự từng trãi ấy là một trái tim mềm mại, nhân hậu mà không mấy ai có được.
Năm lên ba tuổi, cô đã nếm ngay trái đắng đầu tiên khi người mẹ kính yêu của mình đã không còn nữa, một bé gái đang còn tuổi nhõng nhẽo giờ chẳng biết còn ai để mà nũng nịu, để mà đòi bánh đòi kẹo, chỉ còn người cha là duy nhất trong cuộc đời. Thế nhưng có lẽ sự cô đơn và trống vắng đã không thể làm người đàn ông chịu nỗi, cha cô bước thêm bước nữa và cô đã không còn ai bên mình, cô được đưa về nhà ngoại và từ đó, mở ra một thời kỳ đầy gian khổ mặc dù trong vòng tay yêu thương của ngoại, nhưng cái khó, cái nghèo đã khiến cô lớn nhanh hơn, và đánh mất tuổi thơ với những cánh diều, với những tiếng ê a vang ra từ lớp học.
Cô không được theo học một cách đầy đủ như những bạn đồng trang lứa, tuổi thơ cô lặn hụp ngoài đồng xa, trên những chiếc xuồng xuôi ngược mái chèo.
Một tuổi thơ không có nhiều bạn bè, cái sự nghèo túng vì thời buổi đất nước chẳng mấy ai đủ ăn ấy thì đã đành, nhưng với cô lại không còn ai bên cạnh thì cái sự khó khăn trở nên gấp bội. Khi mà nỗi đau từ mất mẹ, xa cha chưa đủ làm cô thiếu nữ gục ngã, thì khi vào tuổi cặp kê, cô cũng vất vã với đường tình cảm, với quan niệm “môn đăng hộ đối”, cô đã quá khó khăn khi bước qua rào cản của gia đình khi đã nhiều đêm cạn hết nước mắt.
Có lẽ mỗi người trên cuộc đời này đều có những hoàn cảnh riêng biệt, không có cái khổ nào giống nhau, nên những thử thách nữa đầu cuộc đời của cô gái “Năm Hòa” không phải là điều chúng ta muốn nói ở đây, mà điều đáng quý nhất đó là trong chính cuộc sống khổ cực ấy, cô vẫn luôn sống một đời sống cao đẹp, nhân hậu, yêu thương những hoàn cảnh khốn khó và để từ đó, cô được mọi người yêu mến vì đã giúp đỡ nhiều cá nhân, gia đình, làng xóm vượt qua những khó khăn.
Cuộc sống hiện nay tuy đã qua khỏi thuở cơ hàn, nhưng cô không bao giờ nhòa phai những ký ức nghèo khó xa xưa, mỗi lần tiếp xúc cô, chúng tôi vẫn thấy cô như một người phụ nữ của những tháng ngày xưa ấy, cô vẫn tận tụy, vẫn hết lòng với xóm làng, vẫn nhỏ lệ khi thấy những bà mẹ trẻ nghèo khó nuôi con nhỏ, hình như cô thấy lại hình ảnh của mình trong mỗi hoàn cảnh đó, rồi cảm thông, rồi ra tay cứu đỡ; cô vẫn đi, vẫn đến từng hoàn cảnh gia đình, để xem rồi giúp sức, có thể nói không ngoa rằng, ở vùng quê Lấp Vò này, cái tên cô Năm Hòa đã được ghi nhớ trong lòng mỗi người dân nghèo.
Có lẽ sự linh ứng về thuyết Nhân quả đã có tác dụng khi cuộc đời cô dần ổn định với người chồng một mực yêu thương và hạnh phúc, những đứa con ngoan lần lượt ra đời, tất cả đều siêng năng và giỏi giắn, đặc biệt là ai cũng có tấm lòng nhân hậu giống cô. Từ ngày cô biết đi chùa, biết hướng về Tam Bảo, thì lòng nhân hậu của cô càng thêm nảy nở. Ngôi chùa gần nhà cô nhất chính là chùa Thiên Phước, đã từ lâu rồi cô chính là nhà viện trợ lương thực chủ yếu cho chùa, những đợt lễ lược Phật sự tại chùa, hầu như cô không vắng mặt. Không riêng gì Thiên Phước Tự, nơi nào Phật sự có nhu cầu, cô lặng lẽ, âm thầm đến nơi đó giúp sức, xây chùa tháp, đắp lộ, làm cầu, nuôi tăng sinh ở trường cơ bản Phật học đều có bàn tay cô giúp, mỗi khi trường có nhu cầu, cô sẵn sàng ủng hộ, tổ chức nhiều chuyến từ thiện với nhà chùa trong các hoạt động xã hội tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Phải nói thêm rằng, dù mang trong mình một căn bệnh, đã nhiều lần là “khách hàng thường xuyên” của các bệnh viện trong vùng, đã từng bị bác sĩ trả về vì đối diện với thần chết, nhưng sự linh ứng đã có dịp xuất hiện, bằng việc từng phút giây niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, cô đã trở về cuộc sống trong sự ngỡ ngàng của bác sĩ.
Vượt qua tật bệnh trong sự nhiệm mầu, càng làm cho cô có niềm tin vào Phật pháp.
Cô xứng đáng là một phật tử thuần thành, xứng đáng là “Tấm gương người tốt việc tốt” không chỉ cho đạo, mà cả cho đời, cho người.