Tờ mờ sáng khi thời công phu khuya kết thúc, cánh cổng chùa mở toang. Một vài chú tiểu và phật tử cùng xách chổi, xe chở rác được đẩy ra sân, quét và dọn dẹp những chiếc lá vàng rơi rụng đêm qua, những bọc nilon của ai đó vô tình hoặc cố ý thả xuống; chỉ sau một lúc cả con đường đến đài Quan âm các, sân chùa tất cả đều tươm tất… Một ngày mới bắt đầu!
Ngày nào cũng thế, đó là một lịch trình sắp đặt trước. Đến 6h30, một ít chú tiểu chuyển sang nhà bếp lau chùi cùng với các phật tử, một vài chú còn lại lên chánh điện lo hương đăng hoa quả.
Khoảng 7h, một bữa điểm tâm được bày ra trên bàn, có hôm là cơm nguội của đêm qua hâm lại, có hôm mì gói,…cùng với rau. Chùa không thiếu rau, hôm nào cũng có một đôi vợ chồng phật tử đi xin rau ngoài chợ đem vào chùa, tên anh chị là Út Hà; công việc của anh chị bắt đầu vào khoảng vào 6h chiều, khi mà các bạn hàng rau quả ngoài chợ Lấp Vò gần xếp hàng về nghỉ, anh chị lại lân la xe đến, các chị bán đồ rẫy lựa chọn những món nào còn tươi tốt được để gửi vào chùa cúng dường, người dân Lấp Vò tốt bụng, chất phác đúng như đặc điểm của người dân nam bộ. Sau khi gom hết các vật phẩm do bà con bạn hàng gửi, anh chị hì hục chở vào chùa.
Sau bữa ăn điểm tâm, mọi người ai làm việc nấy, các chú tiểu nào đi học thì phải lên phòng riêng lo chuyện học, chú nào ở chùa thì tiếp tục dọn dẹp, các thầy trẻ tuổi có thể về phòng nghiên cứu kinh sách, các cô bác hàng xóm cũng hay qua tiếp chùa khi rỗi rảnh.
Phật tử ở chùa không nhiều người, nhưng làm việc thì rất cần mẫn. Không bao giờ nề hà, nạnh nhau, cùng chung san sẽ và gánh bớt trách nhiệm cho nhau, điều này quả thật là đáng quý. Mỗi người mỗi việc, tự phân công cho nhau nên công việc ở chùa hầu như rất chu toàn, có những lần lễ lược khách đến viếng cả ngàn người, nhưng cơm nước vẫn đầy đủ, làm hài lòng rất nhiều người.
Vị trí chùa không ở gần trung tâm tỉnh, nhưng lại nằm ở “ngã ba” các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ nên phật tử đến viếng cũng nhiều, khoảng tầm từ 8h sáng là đã có người đến, không đi theo đoàn, từng ít người đến, nên chùa lúc nào cũng phải chu toàn việc tiếp khách.
Buổi trưa, là khoảng thời gian cho mỗi người làm những việc riêng của mình, thường cũng chỉ loanh quanh việc giặt giũ, vệ sinh phòng ở, hoặc nghỉ ngơi. Sự yên tỉnh ở một ngôi chùa quê càng yên ắng hơn vào lúc này.
Buổi chiều được bắt đầu từ quá giờ ngọ. Chùa bây giờ được xây dựng kiên cố nên cũng không còn nhiều việc nặng nhọc, thỉnh thoảng thì chỉ mé nhánh cây, bủa củi chuẩn bị cho ngày rằm hoặc lễ lược trong tháng.
Tầm khoảng 4h chiều, mọi công việc tạm dừng lại; mọi người có thể ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau một chút trước khi lo buổi cơm chiều.
Trời sập tối, những ánh nắng cuối cùng trong ngày len lỏi yếu ớt qua những khe lá, vòm cây; những lúc như thế này là giờ phút quạnh vắng nhất của cảnh chùa, mọi cảnh vật dường như đứng im để nhường cho những hồi ức xa xưa gợi về. Những ai mới vào chùa, thường không chịu nổi vào lúc này, nỗi nhớ người thân da diết, những ký ức về xa xưa, kỷ niệm với bạn bè…, sự “vọng tâm” này thật khó kiểm soát được nếu sự công phu tu tập chưa có.
Thấp thoáng xa xa, đã có những đoàn phật tử hướng về chùa, từng nhóm người đi từ nhiều hướng khác nhau, ngôi chùa bỗng nên vui hơn, rộn ràng hơn; từng giọng nói dịu dàng, từng nụ cười trìu mến, quan tâm nhau nghe sao ấm lòng đạo pháp, một thời kinh tối bắt đầu từ khoảng 6h30 chiều đến 8h tối. Sau đó là một vài sự trao đổi đạo pháp được diễn ra ở nhà Tổ do thầy trụ trì hướng dẫn, và đó dường như là một công việc cuối cùng trong ngày.
Khi các phật tử bên ngoài ra về, cánh cổng chùa khép lại, cũng là lúc ngôi chùa trở về với sự yên tĩnh, vắng lặng.
Trời dần vào khuya, cũng là lúc các thầy, các chú tiểu, và những cô bác phật tử ở lại trong chùa ai nấy về phòng riêng, tự làm công việc riêng của mình.
Ánh đèn các phòng vụt tắt cũng vào khoảng 9h đêm, một ngày ở chùa kết thúc như thế.
Lệ Trí