Hòa thượng Thích Thiện Thông, thế danh Hồ Tấn Phát, Ngài có khả năng viết đẹp cả hai loại chữ Hán và Việt nên được đại chúng thường bầu làm thư ký, nên mọi người quen gọi Ngài là thầy Ký. Hòa thượng sinh năm 1928, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và kính mộ Đạo Phật tại xóm Vĩnh Thạnh thuộc huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Vì thế khi lên 7 tuổi Ngài được cha mẹ gởi đến xuất gia đầu Phật tại chùa Phước Ân, rạch Cái Bường, Vĩnh Thạnh với HT. Bửu Phước. Sau đó chiến tranh xâm lược ngày càng leo thang, Ngài đã xin phép bổn sư được hoàn tục để đi theo tiếng gọi của non sông. Chính vì thế Ngài đã dấn thân vào con đường cứu quốc và đã tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau ngày hai miền Nam Bắc hoàn toàn thống nhất 1975, nghĩa vụ đối với đất nước và dân tộc đã làm tròn, thầy từ giã chiến trường quay lại chùa xưa là Phước Ân tự ở ngã tư Cái Bường (Vĩnh Thạnh). Nơi này, cách đây trên 40 năm, Thầy đã “cởi áo cà sa – khoác chiến bào” để tham gia “thanh niên tiền phong” lên đường cứu nước.
Việc nước tạm xong, việc nhà đã ổn, Thầy trở lại tổ đình Phước Ân tiếp nối hương lửa nơi chốn thiền môn, học thêm giáo lý Phật Đà, và tinh tấn tu tập, chẳng bao lâu sau Ngài đã được Giáo Hội chấp nhận cho thọ Tam Đàn Cụ Túc giới vào năm 1983, sau đó Thầy được Giáo Hội bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Phước, kể từ đó Ngài nỗ lực nhiều hơn trong công tác xã hội, và góp phần Phật sự cho Phật giáo địa phương, Ngài đã được chư tôn đức trong Giáo hội tin tưởng nên được suy cử Ngài làm chánh đại diện PG huyện Thạnh Hưng (nay là Lấp Vò)
Nói sao cho hết những gian nan thử thách bước đầu khi Thầy về nhận ngôi chùa hoang, và lãnh thêm trách nhiệm của Giáo hội, vì chùa là một ngôi chùa xưa được xây dựng từ thời vua Tự Đức, lại nằm sâu trong một vùng quê “nắng bụi mưa bùn”. Nhà dân thưa vắng cây tạp cỏ dại mọc tràn lan đại hải, và xuống cấp hoàn toàn, vì suốt mấy mươi năm chiến tranh, chùa thiếu vắng bàn tay con người chăm sóc và tôn tạo.
Về đây thầy đã dốc hết tâm lực, từng bước trùng tu lại ngôi chùa tổ. Thiên Phước tự dần được hồi sinh, như một vườn cây, sau cơn bão lũ, nay lại được chăm sóc. Song song đối với việc trùng tu tôn tạo lại ngôi tổ đình, Thầy còn đem ánh đuốc từ bi về thắp sáng trong vùng đã được Giáo hội tỉnh nhà tin tưởng cho phép khai mở ba mùa “an cư kiết hạ”. Vào Những ngày lễ Phật giáo, ngày vía Phật thầy thỉnh giảng sư về thuyết pháp để bà con thấm sâu hơn giáo lý Phật đà. Sự nỗ lực không ngừng mệt mõi của Ngài đã được Chư tôn Đức lãnh đạo tán dương và phần thưởng cao quý đến với Ngài là được Giáo hội Trung ương tấn phong lên hàng Thượng Tọa.
Là người giữ vai trò cao nhất của Phật giáo huyện Lấp Vò, Thầy đã cùng với chư tôn đức trong tỉnh nhà đánh trống pháp, thổi kèn pháp và gieo mưa pháp, để phật tử hiểu và đến với đạo bằng niềm tin và trí tuệ. Bên cạnh đó, những hoạt động xã hội như cất nhà tình thương, phát quà cứu trợ, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con trong vùng cũng được thầy quan tâm thực hiện thường xuyên. Thầy đã để lại trong lòng phật tử hình ảnh của nhà sư nhập thế, luôn làm tốt cho đạo, đẹp cho đời chứng minh đạo Phật không phải là mê tín, là tiêu cực.
Cụ thề cho lý tưởng đó, tại Đạo tràng chùa Thiên Phước khóa tu Bát quan Trai được thành lập, xen kẻ mỗi chủ nhật hàng tuần là chương trình tu học do thầy tổ chức để hướng dẫn cho bà con quanh vùng. Thầy cũng đã vận động và cất được cây cầu chùa, nối liền 2 xã Hoà An (Chợ Mới- An Giang) và Hội An Đông(Lấp Vò - Đồng Tháp) tạo thuận duyên cho phật tử đến chùa hằng đêm “nhật tụng” không còn phải bơi xuồng, để rồi không còn nơm nớp lo sợ khi vào mùa mưa lũ.
Nhưng cuộc họp nào cũng có ngày tàn, sinh ly tử biệt có ai tránh được bao giờ, vô thường chợt đến, thầy đã ra đi về cõi tĩnh lặng vào lúc 15 giờ ngày 28 tháng 2 năm Đinh Hợi (2007), trụ thế 80 tuổi. Suốt cuộc đời, ngài luôn trăn trở cho sự nghiệp hoằng hóa đạo pháp đến mọi người và Ngài thực hiện được và thanh thản nhẹ gót về Tây.
Qua hơn 30 năm hóa đạo, Thầy đã thế phát cho hơn 20 vị xuất gia.
Quy y tam bảo gần 2000 đệ tử tại gia. Tham gia nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội, làm chỗ nương tựa tinh thần rất lớn cho bà con phật tử địa phương.
Môn đồ đệ tử kế thế chúng con ngàn đời tạc dạ noi gương và tôn kính phụng thờ.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỨT THẾ THƯỢNG THIỆN THIỆN HẠ THÔNG GIÁC LINH ÂN SƯ NGÃ THÙY CHỨNG GIÁM.
Đệ tử Thích Lệ Nhật