Hiện nay chưa biết rõ lai lịch và thế danh của Thiền sư Minh Thông – Hải Huệ. Tương truyền rằng Thiền sư Hải Huệ là người miền Trung, vốn là một quan triều Nguyễn, từ quan vào Đồng Nai thọ giáo với Thiền sư Tiên Bổn- Tịnh Căn ở chùa Đại Giác, trên Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).Tóm tắt:
Thiền sư Minh Thông - Hải Huệ
Quê quán: miền Trung
Năm sinh: 1815
Năm mất: 1907
Sau một thời gian kiên trì tu học, sư Hải Huệ trở thành một tăng sĩ tài đức và được cử về trụ trì chùa Kim Cang ở Bình Thảo (Đồng Nai). Về sau, sư Hải Huệ cầu pháp với Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh cũng là đệ tử đời thứ 37 của Thiền sư Nật Hoằng.
Thiền sư Hải Tịnh đóng vai trò rất quan trọng đối với Phật giáo Nam Bộ, có thể coi Thiền sư là tổ sư của Phật giáo Nam Bộ trong thời Pháp thuộc. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ (năm 1859), Thiền sư Hải Tịnh và các đệ tử có nhiều mối quan hệ với các phong trào kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa (từ năm 1867 - 1873) do Trần Văn Thành chỉ huy, có đông đảo tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương - một tông phái do Phật Thầy Tây An (tức Minh Huyên – Pháp Tạng), một đệ tử của Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến các đệ tử, trong đó có Hòa Thượng Hải Huệ.
Trong thời gian trụ trì chùa Kim Cang, Thiền sư Hải Huệ thường xuyên đi hoằng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất mới, nơi bá tánh vừa trải qua một cuộc binh lửa do thực dân Pháp gây ra và đang sống dưới sự thống trị của chúng; rất cần có chỗ nương tựa tinh thần.
Tương truyền, sau khi sư Thức viên tịch, chùa Bửu Lâm không người trụ trì là lúc ghe của Thiền sư đang đậu ở rạch Cái Bảy. Thiền sư có đạo hạnh cao, lại tinh thông Phật pháp, hết lòng vì sự nghiệp phổ biến thiền tông, nên dân làng và hương chức vô cùng quý trọng.
Hiện nay, ở chùa Bửu Lâm, ngoài long vị còn có một số di tích, hiện vật liên quan đến Thiền sư. Vị trí hiện thời của chùa là do Thiền sư Hải Huệ chủ trương dời về phía Bắc cách xa bờ rạch tạo một khoảng không gian rộng trước chùa.
Đồng thời với việc trụ trì chùa Bửu Lâm, Thiền sư Hải Huệ còn khai sơn một số chùa khác: Thiên Phước, Linh Thứu ở Hội An Đông (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), Linh Quang ở Long Hòa, Phước An ở Thới An Đông (Cần Thơ). Với ý định hoằng dương Phật pháp sâu rộng, Thiền sư Hải Huệ thu nạp nhiều đệ tử. Ngoài ra, Thiền sư còn cùng ông Nguyễn Văn Biểu (Phòng Biểu), một thủ lĩnh nghĩa quân thời Thiên Hộ Dương, nhà ở gần chùa, cất chòi, tập hợp trai táng huấn luyện võ nghệ, chờ đợi thời cơ chống Pháp cứu nước.
Thiền sư viên tịch vào ngày mùng 4 tháng 8 năm Đinh Mùi (nhằm ngày 11/9/1907), thọ 92 tuổi, bảo tháp được lập phía trái trước chùa (ngôi thứ ba). Tháp hình lục giác, cao ba tầng, trên đỉnh là hình bầu lô; tháp được xây đơn giản nhưng mỹ thuật và cổ kính, bia tháp ghi: “Từ Lâm Tế chánh tong, tam thập bát thế, huý Minh Thông – Hải Huệ giác linh, thọ cửu thập linh nhị thế, giới hạnh viên tu…”.
Thiền sư Thiện Châu là người có công khai sơn chùa Bửu Lâm, một cơ sở Phật giáo thiền tông đầu tiên, làm nền móng cho sự phát triển Phật giáo ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thiền sư Hải Huệ là người có công biến chùa Bửu Lâm thành một trung tâm truyền bá Phật pháp trong vùng. Chính Thiền sư Hải Huệ cùng các đệ tử và pháp tôn đã xây dựng hoặc hoằng hóa nhiều chùa ở vùng đất mới này.