Trong góc khuất của cuộc đời, ta bắt gặp những cảnh đời bất hạnh, nhiều gia đình nghèo khó, nhiều sinh linh khuyết tật đang lẫn mình trong cuộc sống. Cảm phục trước những nghị lực phấn đấu, hiểu được những vất vả khó khăn, vươn lên với bao nghiệt ngã trên đường tìm bát cơm manh áo của những số phận. Giữa những thăng trầm cuộc sống đó, có một vị thầy mà bao năm qua, lặng lẽ âm thầm đem niềm vui đến cho mọi nhà, mọi người, đó là Đại đức Thích Lệ Nhật trụ trì chùa Thiên Phước. Sau khi tốt nghiệp cao cấp Phật học tại Tp.HCM, thầy hoàn toàn có thể ở lại nơi đó để thực hiện những lý tưởng cao lớn của mình, nhưng thầy vẫn quay về nơi làng quê Lấp Vò, nơi mà thầy đã bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời tu sĩ. Những năm qua, thầy không những tập trung lo giảng dạy, đào tạo hàng trăm tăng ni tại các cơ sở Phật giáo trong vùng, mà còn với hạnh nguyện tìm một chốn tịnh tu, luôn tìm kiếm cơ hội hóa duyên truyền bá chánh pháp, bên cạnh đó thầy luôn canh cánh, trăn trở trước cuộc sống với bao thân phận đắng cay, để rồi từ đó, thầy hết lòng vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của để giúp đỡ, chia sẽ.
Đã sáu năm qua kể từ năm 2007, thời gian mà Đại Đức Thích Lệ Nhật tiếp quản vị trí trụ trì chùa Thiên Phước, nhiều bà con phật tử trong vùng được sinh hoạt Phật giáo nhiều hơn, các khóa tu học được mở ra như Trì chú, Bát Quan trai, Niệm Phật…được tổ chức thường xuyên và xen kẻ trong tháng, đã đáp ứng nhu cầu tu học cho mọi đối tượng. Quãng thời gian không là dài, nhưng bộ mặt của ngôi chùa Thiên Phước đã dần thay đổi, một ngôi chánh điện được xây dựng lại khang trang hơn, con đường phía trước được mở rộng bằng việc trát đá bên lề, khuôn viên được nới rộng ra bên ngoài, diện tích đất chùa được tận dụng và cơi nới thêm.
Thời gian không phải là dài nhưng cũng đã trải qua bao mưa nắng của cuộc đời, trải qua những uất nghẹn đau thương của những mảnh đời bất hạnh. Những cảnh đời đó đang lẫn mình trong cuộc sống ngày thường mà có khi ta đã gặp, đã thấy nhưng không phải ai cũng lưu tâm giữa cuộc sống quay cuồng, tất bật. Riêng thầy đã thấy, đã hòa cùng nhịp đập với bao số phận cơ nhỡ, đói nghèo, khuyết tật. Bước chân của thầy đã đến những vùng quê còn lắm khó khăn của các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, thầy còn đến tận các nơi xa xôi hẻo lánh để trao tặng những phần quà, những chuyến từ thiện tại Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, rồi đến tận các vùng đất xa xăm như vùng Miệt Thứ -U Minh, đến tận biên giới huyện Giang Thành, bước chân thầy cùng phật tử cũng đã băng rừng vượt biển xa khơi đến tận đảo Nam Du (Kiên Giang); Chưa dừng ở đó, thầy còn giúp đỡ cho bà con nghèo nước bạn như tặng quà tại tỉnh Svay Rieng(Campuchia). Tổ chức mời đoàn Y bác sĩ về khám và cấp thuốc cho dân nghèo tại Lấp Vò, Chợ Mới. Tổ chức tết trung thu cho trẻ em nghèo… Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thầy đã hoàn thành chiếc cầu chùa Thiên Phước nối liền hai xã Hội An Đông huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cùng xã Hòa An huyện Chợ Mới (An Giang), nhờ đó mà bà con hai xã như gắn kết tình nghĩa hơn, qua lại thông thương thuận tiện hơn. Tại khuôn viên chùa, thầy cũng xin phép cơ sở giáo dục (Lấp Vò- Đồng Tháp) mở lớp học tình thương để tìm cái chữ cho trẻ em nghèo vùng sâu.
Vừa qua, thầy hay tin căn nhà trống trước hở sau của bà Nguyễn Thị Ghi, ở ấp Vĩnh Khánh xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) mà những đêm trời mưa mẹ con ôm nhau ngồi bó gối. Căn nhà không chịu nổi trước cảnh gió mưa, đã sập mái. Sẻ chia những khó khăn của cảnh nghèo cơ cực, thầy đã góp phần nhỏ trong công việc chắn gió, che mưa.
"Miếng khi đói bằng gói khi no
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng"
Với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười thật hiền, thầy thổ lộ: Mục đích sống ở đời là trãi rộng hạnh phúc. Mình đem niềm vui chia sẽ thì hạnh phúc sẽ nhân lên.
Những việc làm thiết thực của thầy đóng góp tích cực trong công tác từ thiện, xã hội đã lên hàng mấy tỷ đồng. Công việc đóng góp của thầy không thể nói hết trên trang giấy, sự quan tâm của thầy trở thành liều mật ngọt giúp bà con nghèo qua cơn đắng lòng, giúp đỡ người qua cơn giá rét như chiếc mền bông. Gặp chuyện thương tâm, sự vỗ về an ủi của thầy như là liều thuốc an thần, thật là chân thành, tha thiết.
Cuộc sống đời thường của thầy luôn được bà con, phật tử nhìn thầy với đôi mắt kính trọng, hàm ơn, quý mến.
Dẫu biết rằng cuộc đời vốn dĩ hay lập đi lập lại, bếp lửa có lúc ấm áp, có lúc cũng lịm tắt, cũng như thầy là người giàu lòng nhân ái nhưng cũng chỉ là người khách qua đường đối với biết bao là mảnh đời cơ nhỡ, đói nghèo, tật nguyền… Nên thầy luôn cố gắng tạo cho đời niềm vui trong khả năng và cùng đi, cùng chia sẽ, cùng hội nhập với những hoàn cảnh đó dù chỉ trong một đoạn đường ngắn ngủi.
Tôn Thất Lang