(TPTO)-Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực có số lượng người dân tín ngưỡng các tôn giáo nói chung đông nhất so với các khu vực khác trên cả nước; các tôn giáo có thể thấy rõ nhất là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài; ngoài các tôn giáo trên, ở nhiều địa phương còn tồn tại nhiều loại hình sinh hoạt tâm linh khác như Tứ ân hiếu nghĩa (An Giang), Hiếu nghĩa Tà lơn (Sóc Trăng, Kiên Giang…) Trong số đó, số lượng người theo đạo Phật ở các mức độ khác nhau chiếm khoảng 87%, trong đó số người thường xuyên sinh hoạt Phật giáo nghĩa là có ý thức tu tập chiếm khoảng 32% (Số liệu khảo sát tại chỗ trên địa bàn - Nguồn internet). Từ con số này cho chúng ta thấy được hai điều; điều thứ nhất đáng vui vì giữa nhiều tôn giáo cùng tồn tại nhưng đạo Phật vẫn có số lượng người theo chiếm vượt trội, điều thứ hai chúng ta lại lo lắng khi mà số lượng người có niềm tin đạo Phật đông nhưng thực sự có ý thức tu tập thì chưa được ½ trong số đó. Do đó một trong những điều chúng ta cần quan tâm trong công tác hoằng pháp hiện nay ở khu vực này là làm sao thiết thực, hiệu quả là một nhiệm vụ cần quan tâm.
Công tác hoằng pháp những năm qua được diễn ra theo nhiều hình thức, đa dạng; trong đó mô hình “Pháp thoại tại gia” là một hoạt động phật sự cần tận dụng vì mang tính thiết thực và khá hiệu quả.
Những năm qua, mô hình này đã xuất hiện nhiều ở tỉnh Đồng Tháp, và hình thức này được chùa Thiên Phước quan tâm thực hiện mấy năm qua. Đây thực chất là một buổi nói chuyện ngắn khoảng một giờ đồng hồ, nhưng lại có những ưu điểm đáng kể.
Ở vùng ĐBSCL tuy mật độ chùa chiền khá dày nhưng khả năng tài chính của các chùa thường có hạn, việc tổ chức một pháp đài lớn có sức chứa đông, thỉnh mời các giảng sư, rồi thu âm thu hình nhằm phổ biến các thời pháp là vượt sức, hơn nữa thường những người đến nghe thuyết pháp tại các chùa đã ít nhiều có trình độ Phật pháp nhất định, nên việc lĩnh hội là dễ dàng. Nhưng số còn lại, những người chưa một lần đến chùa, còn xa lạ với việc tu học cũng như có tâm lý e ngại mặc dù niềm tin luôn có, thì với hình thức hoằng pháp tư gia là điều rất cần thiết.
Hoạt động này thật ra rất đơn giản, chỉ cần thông qua một sự gặp gỡ của các thầy với những gia đình chưa có dịp đến chùa, chúng ta đã có thể tiến hành một bài pháp thoại ngắn, đó có thể là một buổi cầu an, cầu siêu, một bữa trai tăng, hoặc một dịp an vị Phật tại nhà v.v…
Thông qua các lễ trai tăng, cầu an, cầu siêu...tại nhà riêng của phật tử, hoàn toàn có thể lồng ghép một bài pháp thoại ngắn, nhưng hiệu quả rất đáng kể Ưu điểm dễ thấy nhất là không mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, không cần âm thanh, ánh sáng của pháp đài trang trọng, không cần nơi phải có sức chứa rộng..các thầy vẫn có thể có một buổi pháp thoại hiệu quả. Bên cạnh đó, điều thuận lợi nữa là ở các buổi pháp thoại tại nhà riêng, sẽ dễ dàng giúp các gia đình nhanh chóng có thiện cảm với Phật pháp thông qua hình ảnh cá nhân của các vị thầy, hay nói một cách dễ hiểu là bén duyên với Tam bảo nhờ sự cảm phục từ tăng đoàn. Tuy số lượng người nghe cho một lần pháp thoại như vậy thường chỉ vài mươi người, nhưng nhờ đó mà sự trao đổi giữa các thành viên trong gia đình với các vị giảng pháp được dễ dàng hơn, những câu hỏi mà họ ít khi dám hỏi trước đại chúng hoặc chưa có dịp đến chùa gặp các thầy để giải đáp.
Điều thuận lợi nữa là các giảng sư có thể dễ dàng xác định được trình độ phật pháp của các thành viên trong gia đình, nên việc lựa chọn cách truyền đạt sao cho phù hợp cũng dễ dàng hơn so với một hội trường rộng lớn với nhiều trình độ khác nhau; thông thường khi chưa một lần đến chùa hoặc đến nhưng chỉ để đảnh lễ chư Phật, những cá nhân này chưa có dịp tìm hiểu đạo Phật, nên việc khuyến khích họ đến chùa nghe pháp thường khó khăn, do đó thông qua cách hoằng pháp tại nhà bằng một bài pháp thoại ngắn sẽ giúp họ hiểu hơn về đạo Phật.
Thực tế có những lần thực hiện các buổi pháp thoại này, số người đến nghe có khi tập trung cả một họ hàng nhiều gia đình, xóm làng; từ đó mà họ bắt đầu biết đến chùa, đầu tiên là ngôi chùa của vị giảng sư, dần dần thông qua các mối quan hệ họ mạnh dạn đến nhiều chùa khác, cùng sinh hoạt và cũng đã có nhiều phật tử trở thành xuất sắc, thuần thành.
Cần nhân rộng mô hình để công tác hoằng pháp được hiệu quả sâu hơn Hoằng pháp độ sanh là công việc cần thiết ở bất kỳ giai đoạn nào của đạo Phật, bằng cách này hay cách khác, tùy vào điều kiện của các nơi, chúng ta có thể vận dụng tùy nghi cho từng hoàn cảnh. Nếu với một buổi hoằng pháp quy mô, số lượng người nghe đông đảo mang lại sức ảnh hưởng trên diện rộng thì với cách pháp thoại tại gia lại giúp cho những cá nhân, gia đình chưa từng biết gì về Phật pháp có dịp tìm hiểu và mạnh dạn sinh hoạt trong các hoạt động tu tập tại các chùa sau đó.
Kết quả những năm qua, với hình thức “Pháp thoại tư gia” của chùa Thiên Phước tại các khu vực lân cận đã đạt được nhiều hiệu quả, danh sách Quy y Tam bảo của chùa đã đạt đến con số 1000 phật tử từ các tỉnh trong khu vực, có những gia đình xin quy y cho tất cả các thành viên trong cùng một dịp. Điều này cho thấy hiệu quả của mô hình hoằng pháp tại nhà ở một ngôi chùa tỉnh lẻ như Thiên Phước, và cần thiết là sự nhân rộng thêm nữa ở nhiều nơi, nhiều chùa sẽ giúp cho công tác hoằng dương chánh pháp được thực hiện rộng hơn, lan tỏa đến nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, nơi không nhiều thuận lợi để nghe được chánh pháp.