(TPTO) Một mùa hè nữa lại về, khi những cánh phượng hồng nở rộ trên những tán cây phượng vỹ, cũng là lúc sân trường tạm im ắng, nhường cho những chú ve ngân nga khúc hạ về. Tạm xếp sách vở vào ngăn kéo, những tháng ngày vui chơi đã được không ít bạn nhỏ lập ra kế hoạch, song song với niềm hân hoan những ngày hè thì các bậc phụ huynh cũng bắt đầu những nỗi lo trong việc quản lý giờ giấc sinh hoạt của con em mình, bởi sự nhàn cư luôn gây ra bất thiện.
Xuất phát từ những nổi niềm đó, không ít ngôi chùa Phật giáo đã có nhiều chương trình hướng đến thanh thiếu nhi, như Khoá tu mùa hè là một điển hình. Nhưng hầu như, người ta biết đến những chương trình đó chỉ thường ở những ngôi chùa lớn của thành phố, hoặc cũng là những ngôi chùa có cơ sở thiết bị đầy đủ mới có thể mở được những khoá tu như thế.
Thế nhưng ngay tại miền quê nghèo khó như Lấp Vò (Đồng Tháp), lại có một ngôi tịnh xá ở tận mãi vùng sâu vùng xa của xã Định Yên, cũng đã âm thầm tổ chức được liên tục 4 khoá tu mùa hè dành cho học sinh trong vùng, đó là Tịnh xá Ngọc Phước. Có điều rất thú vị ở chỗ, đây là ngôi tịnh xá do một sư cô trụ trì, mãi cho đến năm 2009 mới được Giáo Hội và chính quyền địa phương cấp giấy công nhận cơ sở tôn giáo nhưng cũng bằng quảng thời gian ấy, tịnh xá Ngọc Phước vận hành ngay vào hoạt động khoá tu dành cho học sinh. Đó chắc chắn là một tâm huyết ấp ủ khá lâu mà có lẽ sư cô trụ trì Thích nữ Đức Liên đã mong muốn.
Cổng ngoài của ngôi tịnh xá
Vừa vùng sâu vùng xa, vừa thiếu thốn nhiều thứ như phòng sinh hoạt cho các em, sân ngoài trời vẫn còn nhỏ hẹp, phòng ăn, phòng ngủ không có… nhưng bằng tất cả nỗ lực mà sư cô đã mong mõi, các khoá tu mùa hè vẫn được duy trì đều đặn và càng phát triển. Từ khoá tu thứ nhất, có 60 em học sinh tham dự, thì đến nay đã gần 150 em, con số này đáng ra còn hơn thế nữa nhưng vì lý do “hết chỗ”, nên nhiều em học sinh khi không đăng ký được đã rươm rướm nước mắt.
Với hạnh nguyện đem đạo vào đời, việc làm của ngôi tịnh xá Ngọc Phước đã giúp không ít cho các bậc cha mẹ cảm thấy thật sự yên tâm cho con em mình. Không những thế, còn đóng góp cho địa phương trong viêc giáo dục trẻ em, quản lý trẻ em trong những ngày hè không đến lớp, tạo cho các em một sân chơi thật sự lành mạnh, bổ ích.
Một bậc phụ huynh đã chia sẽ với chúng tôi rằng: Thi xong, nghỉ hè là mấy đứa nhỏ không biết làm gì, đi đâu? Với những gia đình kinh tế khá giả, thì việc cho con em đi nghỉ ngơi ở những thắng cảnh sau những ngày học hành căng thẳng là chuyện thường, nhưng với những vùng quê nghèo khó như xã Định Yên, quanh năm sống bằng ruộng đồng, xen kẻ nghề dệt chiếu thì lấy đâu ra những chuyến vui chơi cho con đây? ở nhà buồn sinh tật, có được chỗ cho mấy nhỏ về tụng kinh niệm Phật bớt đi việc chơi bời lêu lỏng làm tui an tâm lắm.
Một buổi sinh hoạt giáo lý
Điều chúng tôi cứ thắc mắc mãi là số kinh phí lo cho các em trong suốt khoá tu mùa hè, sư cô trụ trì lo liệu như thế nào, vì nhìn ngôi tịnh thất thiếu trước hụt sau, tôi e ngại về khả năng của ngôi tịnh xá, bày tỏ suy nghĩ này, sư cô trụ trì Thích nữ Đức Liên không giấu được sự lo lắng trong nét mặt cho biết: “Khi bắt đầu lên kế hoạch, ban tổ chức phải liên hệ trước các bà con phật tử trong vùng, đi xin gạo được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu, vì tịnh xá ở mãi vùng sâu như vậy, cũng ít có phật tử khá giả, còn các thứ khác thì cần kiệm, được cái các em ở vùng này cũng dễ dạy, lớn lên từ ruộng đồng nên dễ dàng chấp nhận túng thiếu, mình thì chủ yếu tạo cho các em có những ngày mùa hè ý nghĩa, đừng rảnh rỗi sanh ra tật”
Lịch tu của một ngày được viết trên tấm bảng như thế
Chúng tôi còn được biết rằng, có một nhà tài trợ nào đó tặng được 100 cái áo đồng phục, mà sư cô không dám phát, vì không đủ, sợ đứa có đứa không, rồi không công bằng, mấy em không được thì thêm buồn.
Chúng tôi tạm biệt sư cô, tạm biệt các em nhỏ, hẹn gặp lại vào đợt sinh hoạt Phật pháp lần sau.
Một sự thán phục tấm lòng rộng mở của sư cô đã làm chúng tôi cảm nhận suốt quãng đường đi về, kính trọng về một sự lặng lẽ chịu khó để đưa Phật pháp vào đời cho các em vùng sâu.
Thích Lệ Nhật