(TPTO) Tôi sanh ra sau ngày ngọn lửa Thiêng của HT Thích Quảng Đức bừng chiếu (11-6-1963). Nửa thế kỷ trôi qua, Người đã thắp lên ngọn lửa từ bi thức tỉnh lòng người, là ngọn đuốc sáng dần trong bao tăng ni Phật tử. Càng lớn lên và nhận biết từng sự việc cuộc đời thì ngọn lửa thiêng ngày ấy của Phật giáo Việt Nam khiến cho tôi vô cùng kính phục trước một sự hy sinh vĩ đại “vô tiền khoáng hậu” của nhân loại. Tôi xin nhắc sơ qua thân thế và sự hy sinh của ngài: “Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tức (1897 – 11/6/1963) là Hòa Thượng phái Đại Thừa. Người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư ở Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Ngôi chùa cuối cùng của Hòa Thượng cư ngụ là chùa Quan Thế Âm ở quận Phú Nhuận (Gia định, nay là Thành Phố Hồ Chí Minh). Ngày nay con đường này đổi thành chính tên của Hòa thượng là Thích Quảng Đức.
Sự việc tự thiêu diễn ra tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là Ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường CMT8). Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác, một người đặt một tấm đệm xuống đường, còn người kia mở cabin lấy ra một bình xăng dung tích 5 gallon. HT. Thích Quảng Đức bình tỉnh ngồi thiền trên tấm đệm, hai nhà sư cùng đi bắt đầu trút xăng lên, HT. Thích Quảng Đức lần tràng hạt và bắt đầu niệm: “Nam mô A Di Đà Phật” trước khi đồng đạo châm lửa từ xa. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của hòa thượng. Khói đen bốc lên từ cơ thể cháy bừng của HT.
Phóng viên David Halberrotam viết trên tờ New York Time, tạm dịch:
Tôi lại thấy cảnh đó thêm lần nữa, nhưng một lần là đủ lắm rồi. Ngọn lửa phun ra từ một con người, thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại. Đầu của ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người, loài người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Từ phía sau tôi có thể nghe những tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để cả suy nghĩ… Khi cháy, ông ấy không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự bình tỉnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than xung quanh.
Mặc dù tôi không trực tiếp chứng kiến sự đấu tranh bất bạo động vì đạo pháp, vì dân tộc của Phật giáo lúc bấy giờ, nhưng vầng hào quang của HT vẫn giúp cho tôi hình dung ra được một bức tranh tối sáng của hoàn cảnh lúc đó, và ngọn lửa đó vẫn sáng mãi trong tôi, và mỗi khi nghĩ về Hòa thượng với trái tim bất diệt trong lòng tôi luôn trào dâng niềm kính tiếc vô biên, có nhiều khi rươm rướm lệ lúc nào không biết.
Những năm tháng còn là học sinh, dù chưa hiểu nhiều về Phật giáo, nhưng tôi rất tự hào về đạo Phật của mình, và thường lấy tấm gương của Hòa Thượng, trái tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức làm đề tài để chứng minh với đám bạn choai choai cùng thời.
Nhân duyên lớn đến với tôi là sau khi xuống tóc xuất gia, khi được ở chùa tôi luôn tìm tòi những tư liệu nói về cuộc chiến ngày ấy, tìm hiểu cuộc đời, sự hy sinh vĩ đại của Hòa Thượng, một tấm gương của một vị Bồ tát thời hiện đại.
Những ngày được Thầy tổ cho lên Sài Gòn học Phật pháp, biết có con đường mang tên Thích Quảng Đức ở quận Phú Nhuận, lòng thầm vui mừng và tự hào khi đây đó có những cuộc hội thảo tưởng niệm, hay ngẩng cao đầu kính cẩn nhìn tượng đài của HT được trang trọng nơi mà Hòa Thượng hy sinh ngày ấy.
Hình ảnh HT. Thích Quảng Đức trước chùa Thiên Phước
Niềm kính phục tấm gương cao cả, và trái tim bất diệt mầu nhiệm của Bồ Tát Quảng Đức, đã hun đúc cho tôi khi trùng tu ngôi chùa mình tu học, tôi đã mạnh dạn thay thế hình tượng vị Hộ pháp quen thuộc bằng hình tượng của Bồ Tát phía phải trước ngôi chánh điện chùa. Không biết việc thay đổi đó có ảnh hưởng về kiến trúc xưa cũ hay không? Nhưng thường ngày ra vào chánh điện, được nhìn ngắm hình tượng Bồ Tát tự nhiên trong sâu thẩm tâm hồn trào dâng lên niềm tự hào, và an lạc vô biên.
Thích Lệ Nhật